[Review] Muôn kiếp nhân sinh (Nguyên Phong)



Đây là cuốn sách mình đã mua khá lâu, nhưng đến bây giờ mới có thời gian để đọc. Mình không đọc riêng cuốn này mà xen kẽ với các cuốn khác có chủ đề tương tự là “Hành trình của linh hồn” (Michael Duff Newton) và “Power vs Force” (David R. Hawkins), nên trong quá trình đọc cũng không khỏi có sự ngầm so sánh giữa 3 cuốn này với nhau. Khi nào đọc xong 2 cuốn này mình sẽ review sau nhé.

Mình đọc từ từ “Muôn kiếp nhân sinh” (tập 1) trong tầm 1 tháng, mỗi ngày đọc vài chục trang. Cũng khá lâu nên mình không thể nhớ hết được chi tiết trong sách. Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ ghi lại những ấn tượng mà mình còn nhớ được thôi.


Cuộc sách có dạng như một cuộc phỏng vấn dài kỳ của tác giả với một triệu phú người Mỹ về những trải nghiệm tâm linh, tiền kiếp, luân hồi, các bài học mà ông đã rút ra trong quá khứ, và một vài lời cảnh tỉnh về thế giới tương lai nếu loài người không tỉnh táo hơn với các hành động của mình. Cá nhân mình nghĩ đây là một nhân vật được tạo ra để nội dung sách có tính thuyết phục hơn như cách mà tác giả cuốn “Cuộc đời của Pi” đã sử dụng, chứ cơ bản nhân vật Thomas này không tồn tại, mà mọi trải nghiệm này thuộc về tác giả. Tác giả đã dùng cuốn sách như một cuộc đối thoại với chính mình, đồng thời đối thoại với thế hệ trẻ.


Trải dài trong cuốn sách là ký ức của Thomas về các kiếp sống ở Atlantis, Ai Cập, và kiếp sống hiện tại, cùng với những bài học và những điều ông còn cần phải học lại trong các kiếp sống tiếp theo nữa. Ở Atlantis là trải nghiệm với nền khoa học - công nghệ đạt tới đỉnh nhưng tâm hồn loài người khi đó lại khô khan, ích kỷ và tham lam, độc ác, dẫn tới những sai lầm và sự hối hận cuối kiếp sống, cùng với trải nghiệm lần đầu tiên về lòng trắc ẩn của ông. Ở Ai Cập là trải nghiệm đỉnh cao vinh quang của pharaoh cùng một tâm hồn cô độc, sự suy thoái của Ai Cập ở những triều đại cuối, và bài học về sự chữa lành của tình yêu thương trong loài người. Từ những bài học đó, ông dự đoán những điều tiếp theo sẽ xảy ra ở các nước phát triển, những điều các nước như Anh, Pháp, Ý sẽ gánh chịu theo  quy luật luân hồi của vũ trụ

Cuốn sách được tác giả bắt đầu viết năm 2017, nhưng trong đó có những nội dung mang tính dự đoán khá chuẩn xác, nhất là trong bối cảnh những năm COVID vừa rồi (2019-2022), khi những nghiên cứu phát triển virus và sự tàn phá - gây hại đối với các loài động vật đã gây ra thảm kịch đối với loài người. Còn lời giải thích - suy đoán của tác giả về nguyên nhân của dịch bệnh, khi người Atlantis với trí thông minh, lòng tham và sự ích kỷ đang quay trở lại để sống và học hỏi tiếp trong giai đoạn hỗn độn này của loài người, với những công nghệ đột phá nhưng gây huỷ diệt, thì mỗi người sẽ tự lựa chọn tin hay không nhé. 

Tác giả cũng đặt ra nhiều nghi vấn về thứ tự xuất hiện, nguồn gốc hình thành và niên đại của các nền văn minh nhân loại, khi các nền văn minh đã được tìm thấy như Ai Cập, Lưỡng Hà được các nhà khảo cổ học phương Tây sắp xếp dựa trên các bằng chứng khảo cổ tìm thấy vài ngàn năm TCN, trong khi đó, tại Ấn Độ và Ai Cập có rất nhiều tài liệu bí truyền có niên đại vài chục nghìn năm TCN. Đó là chưa tính đến các nền văn minh hoàn toàn bị xoá sổ sau những lần xâm lăng, hoặc bị vùi lấp và trở thành huyền thoại như Atlantis. Phải chăng sẽ có một học thuyết khác thay cho thuyết tiến hoá của Darwin (điều đã được đa số mọi người chấp nhận nhưng có nhiều bằng chứng phủ định trong thời gian gần đây) về nguồn gốc của loài người? 


Cuốn sách mang nhiều bài học hướng thiện cho người đọc, khi đưa ra những bằng chứng về quy luật nhân quả trải qua nhiều kiếp sống, và đưa ra đúc kết rằng mỗi hành động của bản thân, của mỗi quốc gia, mỗi nền văn minh sẽ quay lại với chính họ trong tương lai. Loài người cần nhìn vào bên trong bản thân nhiều hơn để sống tỉnh táo trong thời đại công nghệ hiện tại. Tuy nhiên, so với cuốn “Hành trình về Phương Đông” của cùng tác giả, mình cảm thấy nội dung và các dẫn chứng chưa có sự kết nối với nhau rõ ràng và đủ thuyết phục. Mình có cảm giác tác giả còn có thể viết thêm nhiều chi tiết hơn nữa để làm tròn hơn nội dung cho quyển sách.

So sánh với lối viết của 2 cuốn sách mình có nhắc tới ở đầu bài, thì lối viết của tác giả có tính định hướng tới người đọc Việt Nam, nên các ví dụ sẽ mang tính chủ quan. Trong khi đó, 2 cuốn ở trên cũng về chủ đề luân hồi - tiền kiếp nhưng với góc nhìn của tác giả phương Tây, thì góc độ tiếp cận sẽ mang tính khoa học thực nghiệm, khi các tác giả dùng những cuộc phỏng vấn khi thôi miên các đối tượng bệnh nhân của họ để quan sát những gì xảy ra trong tiềm thức của họ và ghi lại điểm chung, với những thống kê bằng con số với độ chính xác ý nghĩa cao (95%-99%). Cả 3 cuốn sách đều đúc kết là không thể ghi lại toàn bộ các trải nghiệm mà các đối tượng nghiên cứu đã trải qua, người đọc phải tự đi tìm con đường của mình thôi (qua thiền, yoga hoặc các hình thức khác).


Với bản thân mình, cuốn sách này cuốn hút ở chỗ có vài trải nghiệm của tác giả (hoặc của ông Thomas trong sách) có những nét tương đồng với những gì mình đã từng mơ thấy trước khi đọc cuốn sách này. Mình hay mơ lắm, nhưng chỉ có một vài giấc mơ có những hình ảnh, âm thanh và cảm giác khá rõ ràng và qua nhiều năm nhiều tháng mình vẫn nhớ, nên mình nghĩ chắc hẳn cũng mang một ý nghĩa gì đó. Ví dụ như những giấc mơ lặp đi lặp lại và mình ở trong một cộng đồng người/thiên thần có cánh, và bay qua các tầng mây, qua một vùng đất rộng, bên dưới là thảm cỏ xanh, rừng cây, sông suối. Hay hình ảnh của những ngôi đền tháp bên cạnh dòng sông lấp lánh vàng với một chiếc thuyền lớn chở những vị thần. Có thể trong kho dữ liệu tiềm thức của mình, mình đã từng ở đó chăng?


Cuốn sách mang đến cho mình nhiều suy ngẫm về những điều mình nên làm tiếp theo. Một vài điều trong số đó là một cuộc sống cân bằng, làm việc hết mình, hạn chế công nghệ, chăm sóc và yêu thương gia đình nhiều hơn, sống vì cộng đồng. Hai năm gần đây mình hầu như đã thực hiện đầy đủ những điều mình muốn trong danh sách kể trên. Gần đây, mình muốn thực hiện tiếp một ước mơ nữa, đó là chia sẻ những điều mình biết cho mọi người. Nên từ giờ bận mấy thì mình cũng sẽ cố gắng review một cuốn sách mỗi tuần ^^.

Nhận xét

  1. Em đang nghe sách nói cuốn Hành Trình Về Phương Đông, xong là đến cuốn chị review này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cuốn Hành trình về Phương Đông súc tích và thuyết phục hơn nhiều, chắc do tác giả viết ở tuổi 24 khi còn nhiều năng lượng hơn. chúc em nghe sách vui nhé, chị cũng hay nghe lúc design :D

      Xóa
  2. https://voiz.vn/
    Tải app VOIZ FM này về nghe hay lắm chị mà tiện nữa, chị thử xem, có cả bản nghe free và trả phí thì nghe được nhiều sách hay hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cảm ơn em, lúc làm việc chị hay nghe trên YouTube, còn tối ngủ thì nghe bằng Fonos á

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

4 tháng rưỡi học tiếng Pháp.

Tự xuất bản cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của bạn với chi phí 0 đồng trên Amazon KDP và IngramSpark

Một tháng thành công