Tự xuất bản cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của bạn với chi phí 0 đồng trên Amazon KDP và IngramSpark

Trong thời gian giãn cách xã hội lần này, chắc hẳn các bạn sẽ nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và phát triển các dự án cá nhân mà bạn đang ấp ủ từ lâu, trong đó có thể có những ý tưởng sáng tác truyện dành cho thiếu nhi nhưng chưa có dịp để hiện thực hóa nó. Bài viết này nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm của Như trong việc xuất bản sách thiếu nhi trên Amazon KDP và IngramSpark qua các dự án mà Nikki Studio đã thực hiện. 

Giới thiệu ngắn gọn: Amazon KDPIngramSpark dành cho các tác giả muốn tự xuất bản sách ở thị trường toàn cầu hoàn toàn miễn phí, hoạt động theo phương thức Print On Demand - in và bán từng quyển sách mỗi khi có khách đặt hàng mua sách giấy hoặc mua ấn bản điện tử (eBook). So với mô hình phát hành sách truyền thống thì mỗi khi tác giả muốn tự xuất bản sách của họ, họ sẽ cần một khoản ngân sách ban đầu để xin giấy phép xuất bản, in sách với số lượng lớn, sau đó mới phân phối ra thị trường, thì việc in trên các nền tảng như thế nào giúp các tác giả tiết kiệm rất nhiều chi phí ban đầu, và không giới hạn số lượng sách họ có thể sáng tác cũng như in ấn. 

Tiếc là 2 nền tảng này chưa phân phối trực tiếp đến thị trường Việt Nam (bạn vẫn có thể đặt mua sách qua các kênh trung gian ship về Việt Nam nếu muốn), nhưng nếu bạn mong muốn đem tác phẩm của mình đến với độc giả toàn cầu với chi phí bằng 0 (nếu bạn có khả năng tự sáng tác và vẽ vời), thì tại sao lại không làm thử nhỉ?

NiniPal Notebook Store - xuất bản phẩm trên Amazon KDP - Design: Nikki Studio


1. Viết Bản thảo

Từ ý tưởng bạn có, viết thật nhanh câu chuyện của bạn, bao gồm ý tưởng chính/bài học rút ra từ câu chuyện/nhân vật chính trong sách. Sau đó mở rộng, phát triển ý tưởng cho toàn bộ câu chuyện. Ở bước này, bạn có thể ghi thành dàn ý để dễ theo dõi nếu muốn. Cái chính là nếu bạn dùng quá nhiều thời gian để suy ngẫm ở bước này, thì bạn dễ bỏ luôn việc bắt đầu cuốn sách lắm hehe.

Ở bước này, không cần quan tâm tới ngữ pháp, lỗi chính tả, văn phong ... cái chính là hoàn thành bản thảo đầu tiên trước đã. Đừng bỏ cuộc giữa chừng. Mình biết cản giác này - khi bạn muốn làm mọi thứ hoàn hảo, nhưng lại không vượt qua được mỗi sợ làm sai thứ gì đó xong rồi ngưng làm luôn. Không sao đâu, cần phải hoàn thành trước đã, đúng sai không quan trọng lắm đâu. 

Mẹo: Cho dù cuốn sách được viết bằng tiếng Anh, thì bắt đầu trước bằng bản tiếng Việt sẽ dễ làm hơn và nhanh hơn. Sau đó bạn hãy viết lại bản tiếng Anh dựa trên bản tiếng Việt. Amazon KDP chưa hỗ trợ in sách có nội dung tiếng Việt, nên nếu không tự dịch ra tiếng Anh được thì bạn tìm dịch vụ dịch thuật nào uy tín để có được bản thảo tiếng Anh nhé.

Nếu tự viết bản thảo tiếng Anh, bạn có thể dùng Grammarly (miễn phí) để kiểm tra các lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả cơ bản.

Sau khi viết xong bản đầu tiên, bạn có thể đợi 1, 2 ngày sau, hoặc tuần sau để đọc lại rồi chỉnh sửa, thêm thắt ý tưởng cho đến khi bạn cảm thấy nội dung bản thảo đủ tốt. Nhớ gửi đến bạn bè, người thân, mấy nhóc hàng xóm đọc thử, chờ phản hồi rồi chỉnh sửa nội dung nếu bạn muốn.


2. Tạo một Moodboard

Moodboard là một bảng tạo cảm hứng, giúp bạn phát triển ý tưởng và hình dung cơ bản về cuốn sách. Ví dụ như các cuốn sách thiếu nhi bạn yêu thích, nhân vật tạo cảm hứng cho bạn, phong cách minh họa, các tông màu ưa thích, font chữ ưa thích, các chi tiết vụn vặt có liên quan đến nội dung truyện.

Xuyên suốt bước này, bạn sẽ hình dung tốt hơn về cuốn sách của mình sau khi in xong, và viết lại bản thảo tốt hơn khi có một cái nhìn rõ ràng hơn về câu chuyện của mình qua kênh hình ảnh. 

Mục đích của bước này là truyền tải hình dung của bạn về hình ảnh cần có trong truyện. Nếu bạn viết và một họa sĩ minh họa thực hiện bước vẽ hình, thì chia sẻ Moodboard là cách tốt nhất để họa sĩ hiểu được suy nghĩ và hình ảnh bạn muốn. Điều này giúp họa sĩ bắt tay vào công việc dễ dàng hơn và hiệu quả hình ảnh cũng tốt hơn.

Các cách thực hiện Moodboard:

- Cách truyền thống: Tự in các hình ảnh, chữ, cắt dán từ sách báo... rồi dáng lên bảng hoặc tường

- Thiết kế đơn giản: dùng Canva hoặc Photoshop để gắn các hình ảnh với nhau

- Cách dễ làm nhất: tạo 1 bảng trên Pinterest, pin các hình ảnh, đường dẫn, font chữ bạn muốn rồi chia sẻ bảng này cho họa sĩ minh họa.


Moodboard cho cuốn "The Amazing Skin They're In Book"
Tác giả: Scott Linney - Minh họa: Nikki Studio

3. Chia nội dung bản thảo thành Ý tưởng Vẽ

Nên lưu ý rằng đối với sách thiếu nhi, đặc biệt là sách tranh, thì cần để ý đến việc giới hạn số lượng chữ và tập trung truyền tải thông điệp qua kênh hình ảnh (có những cuốn sách thậm chí không có chữ nào!). Điều này càng quan trọng hơn khi bạn sáng tác cho lứa tuổi mới bắt đầu tập nói, tập đọc. Giữ cho kênh chữ ngắn gọn, giàu hình ảnh, đủ đơn giản, dễ đọc để các em nhỏ hiểu được câu chuyện khi ba mẹ đọc cho các em, và sau đó em có ý muốn đọc tự lại nếu muốn. Việc truyền tải hình ảnh qua tranh minh họa rất quan trọng, vì trí tưởng tượng của trẻ em khác rất nhiều so với người lớn. Hãy giúp trí tưởng tượng của các em bay xa.

Chính vì vậy, hãy suy nghĩ thật chi tiết về việc bạn muốn từng tranh và nhân vật trong sách như thế nào xuyên suốt câu chuyện với tư cách là tác giả. Sau khi viết ra những suy nghĩ của mình, hãy để họa sĩ minh họa tham gia góp ý và phát triển ý tưởng với bạn để tạo ra những hình ảnh tốt nhất trong sách. 

Nếu bạn không giỏi tư duy hình ảnh, vài họa sĩ minh họa thậm chí có thể đọc truyện và đề xuất các ý tưởng vẽ trước cho bạn dựa trên kinh nghiệm của họ từ các cuốn sách họ đã làm trước đó.

Mẹo: hình minh họa có thể có nhiều chi tiết hơn nội dung bao hàm trong truyện, nên chúng ta có thể thêm vào vài chi tiết nho nhỏ trong mỗi trang. Đôi khi, một số chi tiết hoặc nhân vật ẩn không liên quan gì tới truyện (ví dụ như một chú cá nhỏ đang bơi vòng tròn tự đuổi theo đuôi của mình như một chú cún và núp sau rạn san hô - trong trang truyện với 2 chú bạch tuộc đang 8 chuyện) có thể giúp các bé bật cười thích thú và chỉ cho ba mẹ trong giờ đọc truyện. Hãy nghĩ đến những ý tưởng như vậy khi bạn phát triển ý tưởng trong sách để làm cho cuốn sách thú vị hơn.

Bảng Ý tưởng vẽ theo từng trang cho cuốn "Saving The Planet With My Poo"
Tác giả: Shirley Johnson - Minh họa: Nikki Studio


4. Phác thảo và tạo Book Dummy

Book Dummy (phác thảo sơ bố cục cho tất cả các trang sách) là cách đơn giản nhất giúp bạn hình dung cuốn sách như thế nào sau khi xuất bản xong. Bạn có thể tự làm, hoặc yêu cầu họa sĩ minh họa phác thảo rồi gửi Book Dummy cho bạn. Sau đó, bạn hãy cắt từng trang ra rồi dáng thành một cuốn sách nhỏ, sau đó lật từng trang sách để xem toàn bộ cuốn sách như thế nào.

Thông qua bản phác thảo bố cục như thế này, bạn cũng có thể hình dung tổng quát và yêu cầu họa sĩ minh họa điều chỉnh bố cục nhân vật, vị trí chữ, góc nhìn, ... trước khi họ bắt tay vào việc vẽ chi tiết. Điều này giúp việc chỉnh sửa sau này đỡ mất thời gian hơn.

Mẹo: Bố cục tối ưu cho phần ruột sách trên Amazon Kindle và IngramSpark là 32 trang. Nếu sách của bạn nhiều hơn hoặc ít hơn thì số trang nên là bội số của 8 (24, 40, 48... cái này liên quan đến kỹ thuật in ấn tự động của Amazon KDP), nếu không cuốn sách sẽ bị dư vài trang trắng ở cuối sách tạo cảm giác không chuyên nghiệp khi người đọc xem sách. 

Trước khi làm Book Dummy, bạn nên làm việc và thống nhất với họa sĩ về số trang, kích thước trang, số hình minh họa mong muốn trong sách... để tránh việc có ít hơn hoặc nhiều hơn số hình cần có, hoặc kích thước hình bị sai khiến bạn bị động ở các bước tiếp theo. Việc tạo Book Dummy ở bước này cũng giúp bạn tránh các thay đổi không cần thiết.


Một phần trong Book Dummy cho cuốn "The Extraordinary Fairies: Turning Misfortune Into Blessings"
Tác giả: Orchid Bloom - Minh họa: Nikki Studio


5. Hoàn thiện Tranh minh họa

Sau khi hoàn thành Book Dummy và Moodboard, bạn có thể đi vào chi tiết hoàn thiện hình minh họa (nếu bạn tự vẽ), hoặc yêu cầu họa sĩ vẽ dựa trên 2 phần trên. Mỗi họa sĩ sẽ có một cách làm riêng, nhưng đây là các bước phổ biến nhất: 

Thiết kế các Nhân vật Chính:

Nhân vật chính sẽ xuất hiện lặp đi lặp lại trong toàn bộ cuốn sách, nên chúng ta cần phải quyết định ngoại hình và màu sắc của nhân vật trông như thế nào. Nếu có bản phác thảo cho toàn bộ các tư thế đi đứng chạy nhảy của nhân vật thì càng tốt (đảm bảo hình vẽ thể hiện hoàn thiện tính cách nhân vật).

Thiết kế các nhân vật chính cho cuốn "Chomp Chomp Dinnertime"
Tác giả: Natasha Taylor - Minh họa: Nikki Studio


Phác thảo Chi tiết: 

Từ bản sơ thảo đã có ở bước 4, bây giờ bạn có thể tạo một phiên bản phác thảo chi tiết hơn với đầy đủ bối cảnh và nhân vật cho toàn bộ cuốn sách. Đừng quên chừa khoảng trống ước lượng cho phần chữ và đảm bảo phần này ít chi tiết hơn bình thường một chút (ở bước này chỉ bỏ chữ vào để giữ chỗ chứ chưa cần lựa chọn font). 

Phác thảo chi tiết cuốn "The Amazing Animals Book"
Tác giả: Scott Linney - Minh họa: Nikki Studio


Nghịch màu một chút:

Bạn có thể dùng nhiều tông màu khác nhau với nhiều phong cách cho 1 tranh trước, và sau đó chọn ra cái bạn thích nhất. Rồi áp dụng phong cách đó đồng bộ cho toàn bộ cuốn sách.

Lên màu cho cuốn "You Can Do It Luna!" (đang thực hiện, chưa xuất bản)
Tác giả: Steve Pierre - Minh họa: Nikki Studio


Chỉnh sửa:

Cho dù bạn đã viết Ý tưởng Vẽ chi tiết đến đâu, thì khi họa sĩ bắt tay vào phần minh họa, rất có thể bạn cũng muốn thêm thắt hoặc bỏ đi chi tiết nào đó để làm nội dung thú vị hơn. Mẹo: hãy thảo luận với họa sĩ của bạn về ngân sách ban đầu cho dự án minh họa với điều khoản bao gồm việc chỉnh sửa cho đến khi bạn hoàn toàn đồng ý với hình (để tránh phí phát sinh khi bạn có yêu cầu khác hẳn so với thỏa thuận giữa hai bên trước khi bắt đầu dự án).


Các bước chỉnh sửa cho cuốn "Cowrie the Cowgirl" (tập 2 - đang thực hiện, chưa xuất bản)
(Xem tập 1 tại đây)
Tác giả: Wednesday Boatneg, Crystal Orr and Dawn King - Minh họa: Nikki Studio

Hoàn tất tranh minh họa:

Sau khi hoàn tất chỉnh sửa, chúng ta sẽ có phiên bản cuối cùng của phần minh họa. Bạn có thể yêu cầu họa sĩ thiết kế một vài hình mockup (hình ảnh giả lập trang sách của bạn trên một quyển sách thật) để xem trang sách trông sẽ như thế nào sau khi in. Một vài họa sĩ có thể sẽ gửi bạn các hình ảnh có độ phân giải thấp không phù hợp cho việc in ấn trong suốt quá trình gửi và duyệt hình trước khi đi đến bản cuối cùng (nhằm mục đích bảo vệ tác phẩm của họ trước khi bạn thanh toán). Nên khi hoàn thành dự án, hãy yêu cầu họ sĩ gửi cho bạn toàn bộ files với kích thước và độ phân giải tiêu chuẩn để khi in sách, cuốn sách sẽ có chất lượng tốt nhất.

Mẹo: Hãy tích cực trao đổi và phản hồi kịp thời với họa sĩ trong suốt thời gian thực hiện dự án để họ hoàn thành tranh minh họa của bạn một cách tốt nhất trong một khung thời gian hợp lý.

Bản cuối cùng của bìa sách "When Milo Gets Jealous" - hình mockup (đang thực hiện, chưa xuất bản)
Tác giả: D.T.Firmin - Minh họa: Nikki Studio

Bản cuối cùng của tranh minh họa cuốn "Pup Pup" - hình mockup (đang thực hiện, chưa xuất bản)
Tác giả: Taylor A. Feldman - Minh họa: Nikki Studio


6. Đọc rà soát (Proofreading)

Sau 5 bước kể trên, bạn đã hầu như hoàn thành 99% của cuốn sách. Nhưng còn 1% quan trọng nữa, đó là đọc rà soát lại toàn bộ nội dung sách trước khi in (cả hình và chữ). Bước này sẽ giúp cuốn sách chuyên nghiệp hơn: đảm bảo dùng từ chính xác, giọng văn tự nhiên, loại bỏ lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp. Tốt nhất là bạn nên nhờ những người bạn sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, hoặc thuê dịch vụ đọc rà soát chuyên nghiệp.



7. Định dạng sách (Formatting)

Sau khi nhận được hình minh họa và hiệu đính rà soát bản thảo xong xuôi, bạn có thể tự mình thiết kế kết hợp chữ và hình trên trang sách bằng các công cụ miễn phí của Amazon KDP, chẳng hạn như Kindle Create, Kindle Kid's Book Creator. Một số tác giả sách mà Như từng làm việc thậm chí còn thiết kế sách thiếu nhi bằng Microsoft Powerpoint hoặc Canva.

Lưu ý: Hãy đảm bảo bạn chuẩn bị file in cho trang bìa và ruột sách đúng chuẩn mà Amazon KDP hoặc IngramSpark yêu cầu (đảm bảo rằng độ phân giải, trim size, bleeding, độ phân giải v.v... chính xác).

Nếu bạn thuê một người định dạng chuyên nghiệp cho cuốn sách của mình (hoặc tốt hơn hết là thỏa thuận với họa sĩ minh họa về ngân sách thiết kế bao gồm cả format trang in), tất cả các bước sẽ dễ dàng hơn nhiều vì bạn không phải chú ý đến những thứ mang tính kỹ thuật như thế này. Tuy vậy, bạn vẫn phải xem và chọn loại giấy in, loại giấy bìa (cứng hoặc mềm), khổ giấy, màu giấy... và gửi cho họ những thông tin này để đảm bảo rằng họ tạo ra file in chính xác. Điều này giúp bạn tránh gặp rắc rối sau này khi bạn tải file lên Amazon hoặc IngramSpark.


Hướng dẫn kỹ thuật trang sách trên website của Amazon KDP (nguồn)

8. Tải file sách lên Amazon KDP hoặc IngramSpark

Yeah! Chúc mừng bạn đã hoàn thành 90% của quá trình xuất bản sách. Bạn sẽ cần tạo hoặc đăng nhập vào tài khoản của mình, lấy mã vạch ISBN và làm theo các bước trên trang Amazon KDP hoặc IngramSpark để tải file sách của bạn lên đó. Sau một khoản thời gian chờ đợi, nếu nhận được một email chấp nhận file sách đúng chuẩn, thì bạn đã hoàn thành việc xuất bản sách rồi đấy.

Mẹo: Mỗi nền tảng có quy trình thực hiện riêng, vì vậy tốt nhất là bạn tìm và xem qua các video hướng dẫn trên YouTube và làm theo từng bước để quá trình đăng ký tài khoản và tải sách lên dễ dàng hơn.

Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì với file sách của bạn, bạn sẽ nhận được email từ Amazon hoặc Ingram với lý do từ chối. Bạn có thể điều chỉnh file theo hướng dẫn của họ và tải lên lại file đúng chuẩn cho đến khi file được chấp thuận.

"ABC's Of Kindness" - một trong những dự án của khách hàng đã xuất bản thành công trên Amazon KDP
Tác giả: Thuy Petersen & House of Playful Soul - Minh họa: Nikki Studio


9. Quảng cáo và bán sách nào!

Xin chúc mừng bạn đã phát hành thành công cuốn sách đầu tiên! Bây giờ đã đến lúc quảng cáo sách của bạn thông qua các mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, TikTok...) để đem cuốn sách của bạn tiếp cận đến người đọc. 

Bạn có thể đặt hàng in một số cuốn sách của bạn từ Amazon và ship về Việt Nam (Amazon tạo điều kiện giúp in sách với tư cách là tác giả với chi phí thấp hơn giá niêm yết. Mình mới kiểm tra thử và thấy 1 cuốn truyện màu 32 trang là $3.65 - khoảng 83k tiền Việt ở thời điểm hiện tại. Có vẻ đắt hơn giá bìa sách thiếu nhi ở Việt Nam nhiều, nhưng chất lượng giấy và màu in thực sự rất tốt) và tặng sách cho các thành viên trong gia đình và bạn bè của bạn (mình tin rằng họ sẽ không ngần ngại chia sẻ sách của bạn trên các trang mạng xã hội họ dùng nếu như bạn mở lời nhờ giúp đỡ). 

Nếu có ngân sách quảng cáo, bạn có thể mở một số sự kiện như ký tặng sách tại các trường tiểu học, đọc sách ở các nhà sách, thuê influencers, thuê người đọc và viết bài reviews trên blog của họ... để quảng bá cuốn sách của mình.

Một vài hình ảnh từ website và trang cá nhân khách hàng của Nikki Studio khi quảng bá sách của họ:







Lời kết

Cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của bạn có thể hay hoặc không. Nhưng nếu bạn không bắt tay vào làm ngay bây giờ, có thể bạn sẽ không bao giờ có được tác phẩm xuất bản nào của riêng mình cả. Vì vậy, hít một hơi thật sâu và bắt tay vào làm đi nào. Chúc tất cả những điều tốt nhất sẽ đến với bạn và cuốn sách đầu tay.

Nikki Studio



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

4 tháng rưỡi học tiếng Pháp.

Một tháng thành công