[Review] Deep Work - Làm ra làm chơi ra chơi (Cal Newport)


Cuốn "Deep Work" (Làm việc sâu) được viết bởi Cal Newport - giáo sư ngành Khoa học Máy tính tại đại học Geogretown, Washington, Hoa Kỳ. Nội dung chính của cuốn sách là những đúc kết của tác giả về cách làm việc sâu qua những trải nghiệm của bản thân và những người nổi tiếng với những thành tựu trọng trong lịch sử cũng như ở thời điểm hiện tại. 

Khái niệm Deep Work

Làm việc sâu là gì? Đây là cách làm việc thật tập trung và hiệu quả nhằm thúc đẩy khả năng nhận thức của bản thân tới những điểm giới hạn mới và đạt các thành tựu quan trọng trong công việc và nghiên cứu. Điều này có thể thực hiện thông qua việc loại bỏ tất cả các yếu tố của thời đại công nghệ dẫn đến tình trạng phân mảnh tập trung, làm ảnh hưởng xấu đến công việc như: email, mạng xã hội, các trang web thông tin giải trí... làm giảm thành quả công việc, nhất là các công việc cần tập trung chuyên sâu và đòi hỏi tư duy liên tục trong thời gian dài.

Thành tựu quan trọng từ việc Ngắt kết nối

Xuyên suốt trong cuốn sách, tác giả trích dẫn nhiều bằng chứng thuyết phục về các cuốn sách, bài báo, cách thức làm việc và nghiên cứu của nhiều người thành công thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ Carl Jung - nhà tư tưởng lớn có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX - người đã có thời gian dài ở ẩn tại Toà nhà Bollingen ven hồ trong một khu rừng sâu, nơi ít có sự có mặt của con người để hành thiền, viết sách ; hay Mark Twain - nhà văn nổi tiếng - đã tự cô lập mình để viết văn tại một nhà kho cách xa nhà, ông viết sách say mê đến mức gia đình phải thổi tù và để gọi ông về ăn cơm. 

Nếu những người thành công ở thế kỷ XX lựa chọn cho mình một nơi làm việc trong rừng sâu hoặc cách xa nhà, thì những người thành công trong thế kỷ XXI chọn cách ngắt kết nối. Ví dụ như Richard Feynman, nhà vật lý từng giành giải Nobel, người tuyên bố lựa chọn "vô trách nhiệm" (không trả lời email, không tweet, lảng tránh các nghĩa vụ bàn giấy, các cuộc họp) để mang đến những kết quả nghiên cứu mang ý nghĩa thực sự với xã hội. Hay cách mà Adam Grant - giáo sư trường Kinh doanh Wharton, tác giả cuốn "Give and Take", dành 2 đến 4 ngày ngắt kết nối (đóng cửa phòng, tập trung nghiên cứu và không tiếp xúc với ai) mỗi tháng bên cạnh lịch trình làm việc bình thường của mình. 

J.K.Rowling để hoàn thành cuốn sách thứ 6 "Bảo bối tử thần" trong chuỗi "Harry Potter" cũng đã thuê hẳn một phòng khách sạn năm sao với kiến trúc đẹp và ở gần toà lâu đài Edinburg nơi bà lấy cảm hứng sáng tác, đồng thời cách xa nhà với nhiều yếu tố gây xao nhãng như bà mô tả lại: "Khi tôi viết xong Bảo bối tử thần, đó là một ngày cửa sổ mở rộng, bọn trẻ ở nhà, lũ chó thì đang sủa". Bằng cách này, bà có thể tập trung và vận dụng tối đa năng lượng sáng tạo để hoàn thành tốt cuốn sách của mình, mang đến thành công lớn cho bộ "Harry Potter".

So sánh giữa làm việc sâu đối với lao động thủ công và lao động sử dụng đầu óc

Không chỉ đưa ra ví dụ về các cá nhân thành công đối với công việc tri thức, tác giả còn đem đến các ví dụ về cách thức làm việc của bác thợ rèn Ric Furrer - thợ thủ công bậc thầy - với 8 tiếng liên tục đập những nhát búa chuẩn xác lên miếng sắt nóng đỏ để tạo hình ra thanh gươm Viking, và biểu cảm hài lòng khi ông nhìn thành quả của mình khi đã hoàn thành tác phẩm của mình. 

Nếu trong công việc thủ công, khi các công việc khó mô tả nhưng kết quả lại dễ hình dung, thì các công việc lao động trí óc lại có các bước làm việc rõ ràng nhưng lại rất khó để xác định độ thành công của công việc. Chính vì vậy, những người lao động văn phòng/trí óc có xu hướng trả lời email hoặc trả lời các yêu cầu của đồng nghiệp ngay lập tức, tham gia các cuộc họp liên tục và xem đây như các kênh để thể hiện nỗ lực làm việc của mình. Tuy nhiên, thông thường những công việc lặp đi lặp lại này lại không thể mang lại thành quả cụ thể vì không thể mang đến một kết quả rõ rệt mang tính thay đổi/đột phá đối với công việc của họ. Vì vậy, những giờ ngắt kết nối thực sự quan trọng, thời gian này giúp người làm việc có thể nhìn nhận rõ hơn về mục đích làm việc của mình, và cái gì thực sự mang đến kết quả và thành tựu cho công việc của mình. 

Các quan điểm đi ngược lại đám đông của tác giả

Bên cạnh các ví dụ về thành công, tác giả cũng đưa ra nhiều chỉ trích đối với cách thức hoạt động của các công ty lớn gây xao nhãng cho nhân viên của mình trong thời đại công nghệ hiện nay. Ví dụ điển hình là Facebook với cấu trúc văn phòng chung rộng 4ha và tập trung 3000 nhân viên lại chung một không gian làm việc. Đây là niềm tự hào của Facebook cũng như các công ty công nghệ áp dụng văn phòng mở - nơi nhân viên rút ngắn khoảng cách cấp bậc, dễ dàng kết nối với nhau hơn, và có thể học hỏi những điều mới mẻ từ nhau. Nếu phát sinh một vấn đề cần thảo luận trong công việc, một nhân viên có thể dễ dàng đứng lên và di chuyển sang bàn làm việc của bộ phận cần xử lý, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công việc. Tuy nhiên, mặt trái của điều này chính là không nhân viên nào có thể hoàn toàn tập trung vào công việc họ đang làm vì dễ dàng bị cắt ngang bởi vấn đề của một đồng nghiệp. Não bộ của chúng ta có xu hướng rất khó quay trở lại xử lý vấn đề đang làm chỉ sau khi bị cắt ngang chỉ bởi một cuộc điện thoại.

Hoặc như cách làm việc mang tính phá hỏng sự tập trung mà chủ doanh nghiệp đang yêu cầu nhân viên của mình phải làm: bắt buộc phải tương tác mạng xã hội liên tục khi làm việc. Điển hình như cách toà soạn báo lớn như New York Times đã yêu cầu phóng viên của họ tweet liên tục để mở rộng sự ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội, trong khi họ cần tập trung nhiều giờ để đưa ra những bài báo kịp thời và chuẩn xác nhất. 

Một vài gợi ý - hướng dẫn về cách thức làm việc sâu

Tác giả đưa ra nhiều gợi ý về cách thức làm việc sâu tuỳ vào độ tập trung cho phép của công việc bạn đang làm. Một số gợi ý khá thiết thực như việc đặt một bộ lọc email (chỉ trả lời những email thực sự quạn trọng và cấp thiết), hoặc đưa ra câu trả lời tự động email với thông điệp giúp người gửi không trông đợi vào việc email sẽ được trả lời. Hoặc cách thức sắp xếp và đánh giá độ quan trọng của công việc (những công việc thực sự ý nghĩa) trước khi thực sự bắt tay vào làm.

Đối với những công việc bắt buộc phải sử dụng mạng xã hội trong thời gian làm việc, tác giả cũng đề xuất những cách làm khả thi như tập trung và ngắt kết nối trong vòng hai giờ đồng hồ để tập trung làm việc sâu. Việc nghỉ ngơi đầy đủ và tận dụng sức mạnh của sự buồn chán - không sử dụng thiết bị trong thời gian rảnh (ví dụ như tránh xem Facebook trong khi xếp hàng mua vé xem phim) cũng giúp cho đầu óc vượt qua được sự mất tập trung khi cần phải làm việc.

Gợi ý quan trọng nhất mà tác giả đề cập nhiều lần trong sách là ngắt kết nối để tập trung vào những điều quan trọng. Nếu tỉnh táo hơn và theo dõi tổng thời gian sử dụng mạng xã hội, bạn sẽ thấy bạn mất nhiều tiếng đồng hồ vô thức lướt mạng vì hội chứng sợ bỏ lỡ thông tin. Những tiếng đồng hồ lãng phí đó sẽ có ích hơn nếu bạn dùng để nghỉ ngơi hoàn toàn (đi bộ, dành thời gian cho gia đình hoặc những hình thức nghỉ ngơi khác), hoặc để tập trung cải thiện kỹ năng của mình khi công nghệ đang phát triển với hàm số mũ. Việc tách bạch khoảng thời gian online và offline cuối cùng lại mang lại hiệu quả làm việc và trải nghiệm cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Kết luận

Thông điệp và các ví dụ trong cuốn sách rõ ràng và thuyết phục, nhưng mình vẫn cảm thấy cách viết và trình bày luận điểm của tác giả khá lòng vòng. Cuốn sách làm mình có cảm giác đây là một tập hợp của nhiều bài nghiên cứu nhỏ/nhiều bài blog và in 1 lần hơn là một cuốn sách được viết từ đầu tới cuối. Tựa đề của cuốn sách nên là "Làm việc sâu" hơn là "Làm ra làm chơi ra chơi" (90% nội dung sách là cách thức làm việc của những người thành công). Tựa đề này không liên quan đến nội dung cuốn sách lắm, nó làm mình liên tưởng tới nội dung cuốn "Sức mạnh của toàn tâm toàn ý" nhiều hơn. 

Sau khi đọc sách và áp dụng bằng cách thử xoá tất cả các ứng dụng mạng xã hội trong điện thoại đi, thì đúng là hiệu quả công việc trong ngày của mình có cải thiện, thời gian dành cho con cũng nhiều hơn, và giấc ngủ cũng sâu hơn. Tuy vậy, công việc của mình vẫn cần thiết sử dụng mạng xã hội để tương tác với khách hàng, nên cũng không thể loại bỏ mạng 100% được. Như tác giả nói, mỗi người sẽ có một cách làm việc khác nhau tuỳ thuộc vào tính chất công việc của mình. Bạn hãy tự đọc sách và áp dụng vào công việc của mình nhé.


Nhận xét

  1. Như thử đọc và review cuống " dòng chảy" thử. cũng đề cập đến vấn đề tập trung và làm việc sâu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cảm ơn bạn, để mình lưu vào danh sách và đọc thử nhé

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

4 tháng rưỡi học tiếng Pháp.

Tự xuất bản cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của bạn với chi phí 0 đồng trên Amazon KDP và IngramSpark

Một tháng thành công